1. “A Christmas carol” (Giáng sinh yêu thương) của Charles Dickens
Đại văn hào Charles Dickens viết Giáng sinh yêu thương vào năm 1843 khi ông 30 tuổi. Những câu chuyện trong tác phẩm được lấy cảm hứng từ trải nghiệm cuộc sống của nhà văn. Câu chuyện khắc họa sống động nhân vật Ebenezer Scrooge keo kiệt, gắt gỏng. Tuy nhiên, ông già khó ưa này đã có chuyển biến lớn về tư tưởng, tình cảm, nhận thức sau cuộc ghé thăm của những “vị khách siêu nhiên” trong đêm Giáng sinh như hồn ma vất vưởng Jacob Marley.
Nhân vật Ebenezer Scrooge là hiện thân của mùa đông khắc nghiệt. Tuy vậy, trái tim của Scrooge trong thẳm sâu vẫn le lói ngọn lửa thiện chân.
Năm 2009, bộ phim hoạt hình 3D cùng tên chuyển thể từ cuốn sách ra mắt công chúng.
2. “Father Christmas” của Raymond Briggs
Trong cuốn sách, ông già Noel thức giấc vào đêm 24/12 để bắt đầu thời gian làm việc dài nhất của mình trong năm. Ông đi khắp thế giới, gặp nhiều câu chuyện vui cũng như những vấn đề rắc rối. Trong khi hầu hết cuốn sách viết về Giáng sinh tìm cách khám phá sự kỳ diệu của phép thuật thì điểm khác biệt của Father Christmas là phơi bày những mặt trái trong cuộc sống.
3. “A child’s Christmas in Wales” của Dylan Thomas
Dylan Thomas viết cuốn sách vào năm 1952. Tác phẩm gần như tự truyện vì Thomas nghĩ về mùa đông và trải nghiệm bản thân trong dịp Giáng sinh. Cuốn sách mang lại cho độc giả nhiều cảm xúc với những giọt nước mắt, kỷ niệm ấm áp thời ấu thơ.
4. “Little women” của Lousia May Alcott
Cuốn sách được viết vào năm 1868, dựa trên chính những trải nghiệm của nhà văn người Mỹ – Louisa May Alcott. Qua cuốn sách, độc giả biết về cuộc sống từ ấu thơ đến khi trưởng thành của bốn chị em Meg, Jo, Beth và Amy. Cuộc nội chiến Mỹ kéo dài khiến cha của bốn cô gái mất việc, phải xa nhà tìm chỗ làm mới, gia đình rơi vào cảnh nghèo túng. Điều đó khiến các cô nỗ lực làm việc để cải thiện đời sống. Vào dịp Giáng sinh, bốn cô gái cảm thấy tủi thân khi gia đình không thể sum vầy vì vắng cha.
Năm 2009, cuốn sách được phát hành tại Việt Nam.
5. “Holidays on ice” của David Sedaris
Cuốn sách là tuyển tập truyện ngắn, bài viết về Giáng sinh của David Sedaris. Trong Holidays on ice, Sedaris ghi lại câu chuyện đêm Noel cùng em gái – Lisa – giải cứu cô gái bị quấy rối tình dục tại cửa hàng tạp hóa.
6. “The Snowman” của Raymond Briggs
“Tôi nhớ mùa đông vì tuyết rơi dày đặc. Tuyết rơi suốt đêm và buổi sáng tôi thức dậy trong căn phòng tràn ngập ánh sáng. Cả thế giới dường như bị giữ lại trong tĩnh lặng. Đó là những ngày kỳ diệu khiến tôi viết The Snowman”, Raymond Briggs chia sẻ.
Đêm Giáng sinh, người tuyết dẫn cậu bé (nhân vật trong truyện) vào hành trình phiêu lưu, khám phá Bắc cực.
* Trích phim “The Snowman”
Ra đời năm 1982, bộ phim hoạt hình 2D không lời thoại – The Snowman – chuyển thể từ cuốn sách cùng tên đã đánh thức trí tưởng tượng của nhiều trẻ em trên thế giới. Những hình ảnh đáng nhớ của phim như con ngựa hoang trên đồng cỏ, cá voi vùng vẫy trên biển hay cực quang được khắc họa mộc mạc, gần gũi với lứa tuổi trẻ thơ.
Cùng năm, bộ phim được đề cử giải Oscar cho “Phim hoạt hình ngắn xuất sắc”.
7. “The dark is rising” của Susan Copper
Cuốn sách viết về cuộc chiến tranh giữa cái thiện và cái ác, bóng tối và ánh sáng. Bóng tối và bão tuyết ngự trị thế giới trong The dark rising. Vạn vật bị đóng băng, thiếu sức sống. Will – nhân vật chính trong truyện – gánh vác sứ mệnh giải cứu muôn loài thoát khỏi tình trạng diệt vong. Cậu cùng những người bạn thực hiện hành trình tìm ánh sáng, chống lại âm mưu hủy diệt của thế lực bóng đêm.
Năm 2007, bộ phim Quyền lực bóng đêm được chuyển thể từ tác phẩm The dark is rising ra mắt khán giả.
8. “Mog’s Christmas” của Judith Kerr
Tác phẩm kể về chú mèo hậu đậu – Mog – gây ra tai họa trước thềm Giáng sinh. Cuốn sách là một trong những hiện tượng xuất bản trong năm 2015 với hàng trăm ngàn bản được tiêu thụ tại Anh ngay trong tuần đầu tiên ra mắt.
9. “Letters from father Christmas” của J.R.R Tolkien
Nội dung cuốn sách như những bức thư Tolkien gửi cho con vào dịp Giáng sinh hàng năm. Nhà văn kể về cuộc sống trên Bắc cực – quê hương của ông già Noel. Tại đó, những câu chuyện về đàn tuần lộc và gấu kích thích trí tưởng tượng, niềm hào hứng cho trẻ thơ.
10. “The little match girl” (Cô bé bán diêm) của Hans Christian Andersen
Cô bé bán diêm được xuất bản lần đầu năm 1848 trong phần năm của cuốn Nye Eventyr (Những truyện cổ tích mới). Câu chuyện về cô bé nghèo khổ đi bán diêm trong đêm Giáng sinh và từ giã cõi đời trong giá rét mùa đông đã lấy đi nước mắt của hàng triệu người trong hơn 150 năm qua. Kết cục không giống như cổ tích truyền thống nhưng lại đậm chất nhân văn đã biến Cô bé bán diêm thành tác phẩm bất hủ của nhà văn Hans Christian Andersen và được lưu truyền qua nhiều thế hệ.
11. “A Christmas memory” của Truman Capote
Tác phẩm viết về niềm háo hức chuẩn bị đón Giáng sinh của Buddy và chị họ. Hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng Buddy luôn mong có kỳ Giáng sinh ý nghĩa. Cậu cùng chị họ quyết định tiết kiệm đồng xu để mua quà cho mọi người. Giáng sinh đến, cả hai mua nguyên liệu về làm bánh rồi gửi cho những người họ quen hoặc chỉ gặp một, hai lần. Sau đó, hai người vào rừng, chặt cây thông Noel mang về nhà.
Hai chị em dành cả ngày để trang trí cây và gói quà tặng người thân. Buổi sáng Giáng sinh, Buddy cùng chị họ dậy sớm và mở những món quà mà hai người chuẩn bị cho nhau. Đó cũng là lần cuối Buddy đón Giáng sinh cùng chị họ bởi không lâu sau, cậu được đưa đến học tại trường quân sự.
12. “The polar express” của Chris van Allburg
Cuốn sách nói về cậu bé sống tại một đô thị Mỹ thập niên 1950 với niềm tin ông già Noel là có thật. Trong đêm Giáng sinh, cậu bé bắt gặp chuyến tàu tốc hành tới Bắc cực đi ngang qua nhà mình. Cậu bước lên tàu và bắt đầu chuyến phiêu lưu đầy kỳ thú tới xứ sở của những điều kỳ diệu.
Năm 2004, bộ phim The polar express chuyển thể từ cuốn sách cùng tên ra mắt công chúng. Phim do Robert Zemeckis làm đạo diễn.
* Phim hoạt hình “The polar express”
Trọng Trường